truoc-tuyen-bo-tu-trung-quoc-hue-ton-vinh-nguoi-khai-sinh-ao-dai-chua-nguyen-phu

Trước tuyên bố từ trung quốc, huế tôn vinh người khai sinh áo dài: chúa nguyễn phúc khoát

Admin 19/12/2019

Trước những tuyên bố về sáng tạo với áo dài của các nhà nhiết kế Trung Quốc mới đây, ban tổ chức Festival Huế 2020 đã quyết định sẽ tổ chức lễ tôn vinh người khai sinh áo dài là chúa Nguyễn Phúc Khoát trong Lễ hội áo dài.

Đây là thông tin được ông Huỳnh Tiến Đạt - giám đốc Trung tâm Festival Huế - chia sẻ tại buổi họp báo về Festival Huế 2020 diễn ra chiều 17-12 tại Hà Nội.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Đạt cho biết đây là lần đầu tiên Lễ hội áo dài trong Festival Huế 2020 tổ chức lễ tôn vinh này, sau những nhập nhằng muốn xác lập quyền sở hữu sáng tạo với chiếc áo dài Việt Nam của các nhà thiết kế Trung Quốc mới đây.

"Chúng tôi muốn tổ chức lễ tôn vinh với người khai sinh chiếc áo dài Việt Nam như một sự khẳng định mạnh mẽ áo dài là sáng tạo của người Việt, mà cụ thể là chúa Nguyễn Phúc Khoát, từ giữa thế kỷ XVIII", ông Đạt nói.

Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết một lễ dâng hương ghi nhớ công ơn chúa Nguyễn Phúc Khoát có công khai sinh trang phục áo dài Việt Nam sẽ được tổ chức trước lăng mộ của chúa Nguyễn Phúc Khoát và khu miếu thờ các chúa Nguyễn.

Ngoài ra, Lễ hội áo dài còn có một chuỗi hoạt động đặc sắc, tôn vinh giá trị tà áo dài Huế, áo dài Việt Nam qua các bộ sưu tập thời trang áo dài của các nhà thiết kế nổi tiếng Huế, Sài Gòn, Hà Nội trong đêm trình diễn thời trang 5-4-2020.

Trong các đêm nhạc Trịnh Công Sơn thuộc khuôn khổ Festival Huế 2020, công chúng mặc áo dài sẽ được tiếp đón như khách mời danh dự, các nghệ sĩ mặc áo dài do em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thiết kế. Trong ảnh là tiết mục biểu diễn trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn của kỳ Festival Huế năm 2016 - Ảnh: BTC

Một hoạt động đặc sắc nữa của Festival Huế 2020 là Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng diễn ra vào tối 5-4-2020. Năm nay, gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tiếp tục giới thiệu di sản âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với chủ đề "Huế là người yêu của tôi, là giấc mộng của tôi".

Ông Huỳnh Tiến Đạt cho biết ngoài đêm nhạc chính thì hai đêm nhạc Trịnh Công Sơn cũng được tổ chức dịp này: một là đêm hát mộc với guitar tại công viên trên đường Trịnh Công Sơn ở Huế, và một đêm nhạc Trịnh Công Sơn theo phong cách thính phòng tại Đại học Huế.

Đặc biệt, để tôn vinh áo dài, trong các đêm nhạc Trịnh Công Sơn đợt này, những công chúng mặc áo dài đến dự đêm nhạc sẽ được tiếp đón như khách mời danh dự. Ngoài ra, các nhạc công, ca sĩ sẽ mặc áo dài do chính bà Trịnh Hồng Diệu - em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - thiết kế.

----------------

Festival Huế 2020 với chủ đề Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế luôn luôn mới diễn ra từ 1 đến 6-4-2020 còn có nhiều lễ hội hấp dẫn khác như:

- Chương trình nghệ thuật khai mạc

- Lễ Tế giao

-Chương trình nghệ thuật cung đình Huế với chủ đề "Văn hiến kinh kỳ"

- Lễ hội "Huế - Kinh đô ẩm thực" từ ngày 2 đến 6-4-2020

- Lễ hội đường phố

- Đêm ASIAN

- Liên hoan Múa quốc tế 2020, cùng các chương trình nghệ thuật đến từ hơn 20 quốc gia ở các châu lục và những đoàn nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu của Việt Nam diễn ra trên những sân khấu lớn bên trong Đại Nội, Cung An Định và các sân khấu giao lưu ở trung tâm thành phố Huế.

Về kinh phí tổ chức Festival Huế 2020, ông Huỳnh Tiến Đạt tiết lộ con số khái toán khoảng 35-36 tỉ đồng, trong đó 60% được xã hội hóa.

(Theo: Tuoitre)

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN