luoc-su-duc-thanh-to-nghe-may-viet-nam

Lược sử đức thánh tổ nghề may việt nam

Admin 18/01/2019

Vào thời Hùng Vương dựng nước, người Việt đã biết trồng cây gai, cây đay, trồng dâu nuôi tằm để tạo ra các loại vải may vá thành khăn mũ, quần áo, váy, yếm…Thế nhưng lại có một phụ nữ được nhân dân tôn kính phong làm tổ của nghề may và có những nơi thậm chí còn cụ thể hóa bà trở thành Tổ nghề may áo dài, đó là Nguyễn Thị Sen. Bà không sáng tạo ra nghề may, nhưng bà lại là người có công lớn trong việc truyền dạy nghề, hướng dẫn cho thợ may tìm tòi, sáng tạo bằng đường kim mũi chỉ, óc thẩm mỹ thể hiện qua từng đường nét, mẫu mã khác nhau tạo thành sản phẩm làm đẹp của mọi người.

Bà Tổ nghề may của người Việt là ai?

Theo thần tích đền thờ tổ nghề may ở làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) thì bà Nguyễn Thị Sen là một người con gái xinh đẹp, đảm đang của làng Trạch Xá. Ngay từ nhỏ Nguyễn Thị Sen đã nổi tiếng chăm chỉ, khéo tay hay làm, ngoài chuyện cửa nhà cô còn ra đồng phụ giúp việc đồng áng, hái dâu nuôi tằm, quay tơ dệt vải. Tại Trạch Xá, Nguyễn Thị Sen đã tập hợp một số người giỏi may vá lại cùng học hỏi tay nghề lẫn nhau, may trang phục áo quần để bán cho dân chúng trong vùng. Đến tuổi cập kê, sắc đẹp và tài thêu thùa may vá của Nguyễn Thị Sen đã nổi khắp cả một vùng, nhiều người đánh tiếng, mai mối muốn hỏi cưới cô về làm người vợ hiền, dâu đảm.

Chuyện kể rằng khoảng đầu niên hiệu Thái Bình (970-979), Vua Đinh Tiên Hoàng đi ngang đất Trạch Xá của xứ Sơn Tây, nhà vua rất ngạc nhiên khi thấy người dân ở đây áo quần trang nhã, đẹp đẽ mới truyền dừng kiệu lại hỏi han thì được biết về Nguyễn Thị Sen và những người thợ tài hoa. Mến phục cô gái vừa xinh đẹp hiền thục, vừa khéo léo, lại thạo nghề may vá, Vua đã làm lễ hỏi cưới rồi rước dâu về Hoa Lư. Cô thợ may khéo léo Nguyễn Thị Sen trở thành Hoàng Phi thứ tư nên mọi người thường gọi nàng là Tứ phi.

Ban đầu khi mới về cung, với thân phận cao quý Tứ phi được kẻ hầu người hạ, không phải làm bất cứ công việc nặng nhọc nào, thế nhưng điều đó làm Nguyễn Thị Sen cảm thấy buồn chán, nàng thường lẻn vào khu thành Nội xem các cung nữ làm áo, thêu thùa. Vốn thạo nghề kim chỉ, cùng với sự khéo léo và sáng tạo, Tứ phi đã giúp họ phát triển để làm ra những sản phẩm mũ áo, trang phục đa dạng, đẹp đẽ được hoàng thân, quốc thích, hậu phi, công chúa, hoàng tử rất thích. Đặc biệt đã đào tạo ra được đội ngũ người may, người thêu thùa đông đảo. Bà dạy cho các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ phát triển nghề may trong cung Vua mà trước đây chưa hề có.

Vào năm Kỷ Mão (979) Vua Đinh Tiên Hoàng bị gian thần sát hại. Buồn chán trước cảnh triều đình rơi vào binh đao tranh quyền, đoạt vị, bà đã đưa các con từ giã Hoàng cung trở về làng Trạch Xá quê hương. Tại đây, bà đã mang nghề may trong cung truyền dạy cho dân làng và từ đó nghề may đã phát triển đời này nối tiếp đời sau, đến nay được hơn ngàn năm. Bà mất ngày 12 tháng chạp được nhân dân lập đền thờ và được tôn là Tổ Nghề May. 
Để con cháu muôn đời biết về công đức của tiền nhân, người dân làng Trạch Xá đã lập đền thờ suy tôn bà là Đức Thánh Tổ nghề may và tổ chức lễ hội giỗ tổ vào ngày 12 tháng Chạp âm lịch hàng năm.

Dân làng Trạch Xá nhớ công ơn bà, đã lập đền thờ và suy tôn bà là Đức Thánh Tổ nghề May, tứ thời tám tiết hương đăng tế lễ, để con cháu muôn đời sau biết về công đức của tiền nhân.

Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ ngành dệt may.
Quần áo là vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt của con người. Cho nên từ ngàn xưa, nghề may mặc đã được tôn vinh trân trọng. Những người phát triển nghề may quần áo qua mọi thời đại luôn được dân chúng nhắc tới, nhớ ơn. Cho dù thời trang đã thay đổi đến đâu thì các thợ may mỗi năm lại tổ chức một ngày cúng tổ để nhớ tới người đầu tiên biến công việc may vá trở thành chuyên nghiệp, trở thành một nghề bền vững, sáng tạo, đem lại biết bao bộ trang phục làm đẹp cho đời.

Ngành nghề may mặc ngày nay đã trở thành ngành công nghiệp nhẹ rất phát triển, với những doanh nghiệp tập đoàn lớn, thu hút hàng chục vạn công nhân, được đầu tư máy móc và công nghệ hiện đại, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn“, tôn vinh ngành nghề truyền thống, hàng năm ngành may mặc tổ chức lễ hội giỗ Tổ nghề May vào ngày 12 tháng Chạp (Âm lịch), ba năm lại mở đại lễ một lần; được hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp thợ ngành may mặc thời trang trên cả nước, cùng những người thợ may khắp miền Đất nước về dự. Tổ chức lễ hội Đức Thánh Tổ nghề May rất thành kính, với nhiều nghi lễ trang trọng và nhiều hoạt động giao lưu văn hóa dân gian; Lễ hội truyền thống được tổ chức tại làng Trạch Xá, thành phố Hà Nội và thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Cho đến nay con cháu Làng Nghề nói riêng và những người làm việc trong lĩnh vực may mặc nói chung luôn làm tốt noi gương hạnh nguyện của Đức Tổ. Cặm cụi, sáng tạo, tỉ mỉ là những ngôn từ từ lâu đã gắn liền với hình ảnh những nghệ nhân mang sứ mệnh “làm đẹp cho đời”. Đâu đó, trên đất nước Việt Nam vẫn còn rất nhiều những người thợ, những làng nghề “cha truyền con nối” ngày đêm miệt mài bên chiếc máy may để tạo ra những đường kim mũi chỉ hoàn mỹ nhất. Những doanh nghiệp dệt may góp phần đưa các sản phẩm thương hiệu Việt Nam vươn tầm thế giới, tới gần hơn với người tiêu dùng toàn cầu.

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN