-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tôn vinh áo dài nam truyền thống
16/12/2018
Lâu nay, nói đến áo dài của người Việt, nhiều người chỉ nghĩ đến áo dài nữ mà chưa biết nhiều đến áo dài nam. Trước thực trạng đó, hưởng ứng Ngày di sản Việt Nam (23/11), Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã tổ chức toạ đàm “Áo dài nam truyền thống và tính ứng dụng trong đời sống đương đại”. Hầu hết các ý kiến tại toạ đàm đều thống nhất đề xuất Nhà nước nên công nhận áo dài nam truyền thống là quốc phục cùng áo dài nữ.
May áo dài nam truyền thống tại Hà Nội
Áo dài nam đang dần bị biến mất
Tại buổi tọa đàm, các khách mời và chuyên gia đã có những chia sẻ hết sức thẳng thắn về hiện trạng chiếc áo dài nam Việt Nam cũng như nguy cơ, thách thức của nó trong đời sống hội nhập. Theo nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo, người vừa vinh dự nhận được giải thưởng “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội”, chiếc áo dài nam Việt Nam đã có từ rất lâu từ thời kỳ phong kiến trước khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta.
Chiếc áo dài luôn là một trang phục thông dụng cho đời sống hàng ngày cũng như các nghi thức, nghi lễ ở các mức độ, tầng lớp khác nhau nó luôn mang những nét đẹp truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, khi người phương Tây sang nước ta, nền văn hóa Việt Nam cũng phần nào bị lai hóa. Áo dài nam bị lấn áp bởi sơ mi, giày da, những bộ vest nên phần nào bị mai một và cách tân nhiều theo thời gian.
“Đến sau giải phóng Thủ đô, hình như hãn hữu lắm mới thấy trên đường phố còn người mặc áo the, khăn xếp. Rồi chiến tranh nên trang phục của chúng ta phải đơn giản hoá tối đa. Áo dài nam gần như bị triệt tiêu, chỉ còn sót lại rất ít trong những cuộc biểu diễn...” - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo nhớ lại.
Đứng trước ngưỡng cửa của xu thế toàn cầu hóa, những giá trị truyền thống như tà áo dài nam Việt Nam đang dần bị biến mất, thay vào đó là những bộ cánh bóng bẩy, hiện đại. Bên cạnh đó, đáng tiếc và đáng buồn hiện nay là nhiều nam giới lại thấy xấu hổ khi đứng trước áo dài và không dám mặc áo dài khi ra ngoài đường.
Áo dài nam truyền thống tại Hà Nội
Ông Nguyễn Đức Bình – Chủ nhiệm nhóm Đình làng Việt cho biết: “Nam giới bây giờ có nhiều người khi mặc tà áo dài đa phần đều cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ. Chúng ta nên cảm thấy tự hào vì đất nước có bộ trang phục truyền thống đẹp như vậy. Chúng ta phải thực sự coi đây là một di sản cần phải được gìn giữ, thấy được những tinh hoa có trong tà áo dài nam của người Việt. Và đặc biệt không nên gán ghép nó với những điều xấu, những vấn đề không tốt để dần dần có một cái nhìn tốt đẹp hơn với tà áo dài truyền thống. Có như vậy mới có thể có khả năng khôi phục được những nét đẹp truyền thống trong tà áo dài nam Việt Nam”.
Bên cạnh việc xem nhẹ, việc biến tấu hay cách tân quá đà những chiếc áo dài nam cũng đã vô tình làm mất đi những nét đẹp truyền thống. Những chi tiết, hoa văn, màu sắc trang trí đã và đang làm rối mắt của người nhìn dù chỉ để thỏa mãn tính thời trang. Ông Nguyễn Đức Bình khẳng định, áo dài nam có sự tinh giản tối đa. “Cái tinh hoa của đàn ông Việt đều nằm trong tà áo dài, cả về dáng vẻ và màu sắc. Như chúng ta thấy ngày xưa, để thể hiện tính cách của người đàn ông luôn khoan thai, chững chạc, đứng đắn, áo dài nam dùng các màu sắc không quá sặc sỡ, ngược lại rất giản dị” – Ông Nguyễn Đức Bình cho hay.
Cần được công nhận là Quốc phục
Hầu hết các ý kiến tại toạ đàm đều thống nhất đề xuất Nhà nước nên công nhận áo dài nam truyền thống là quốc phục cùng áo dài nữ. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo cho rằng những dịp lễ hội, ngày tết, cưới hỏi... là những dịp rất tốt để mặc áo dài, giúp lan toả thói quen dùng trang phục truyền thống này. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo cũng đề xuất, trong những sự kiện mang tính tâm linh của đất nước như dâng hương các vua Hùng ngày 10/3 âm lịch, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nên mặc trang phục áo dài nam truyền thống. “Tuy nhiên, không nên áp đặt một cách khiên cưỡng áo dài nam phải như ngày xưa. Hơn nữa áo dài cũng khó phù hợp với nam giới trong công việc, cuộc sống thường ngày” – nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo cho hay.
Áo dài nam truyền thống tại Hà Nội
Trong khi áo dài nữ song hành cùng lịch sử và giữ vị trí quan trọng trong đời sống thì áo dài nam chưa được quan tâm đúng mực.
Hoa sĩ Nguyễn Đức Mạnh cho rằng, chiếc áo dài nam vốn là biểu tượng cho văn hóa truyền thống Việt, thể hiện sự độc lập tự cường và nét đẹp của cả một đất nước, một dân tộc qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nó xứng đáng là quốc phục của người Việt. Họa sĩ Nguyễn Đức Mạnh đề xuất, cần phải có những cuộc vận động từ các nhà thiết kế, hoạ sĩ, nhà làm phim... quan tâm để áo dài nam có thể tương xứng với áo dài nữ trong các sự kiện quan trọng của đất nước cũng như đối ngoại quốc tế.
Đại sứ Phạm Sanh Châu mặc áo dài nam truyền thống trong một sự kiện văn hóa
Trước những làn sóng của thời cuộc, con người càng cần phải gìn giữ hơn nữa nhưng giá trị văn hóa truyền thống của nhân loại, bên cạnh việc tiếp thu có chọn lọc những nét đẹp của nền văn hóa hiện đại, không nên quá dễ dãi và tùy tiện trong việc sáng tạo, biến tấu để làm mất đi những vẻ đẹp tinh hoa của truyền thống văn hóa của người Việt. Có mặt tại tọa đàm, ông Phạm Sanh Châu – Thư ký Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, tình yêu đối với văn hóa truyền thống, với nét đẹp của dân tộc là một tình yêu rất mãnh liệt, nó có thể nhạt nhòa lúc này hoặc lúc khác nhưng nó vẫn luôn là một dòng chảy rất mạnh trong dòng máu của mỗi người Việt. Tôi hy vọng rằng, càng ở những thế hệ về sau, tinh thần yêu văn hóa đó càng được rộng lớn hơn”.
Nguồn: Lao động Thủ đô
----------------------------------------------
ÁO DÀI MINH NGUYỆT có nhiều năm kinh nghiệm về thiết kế, may đo và cho thuê áo dài truyền thống và cách tân nam/nữ, áo dài đồng phục cơ quan doanh nghiệp, áo dài đồng phục nhà trường, ngân hàng, áo dài đồng phục hội, nhóm, áo dài học sinh...
Chi tiết xin liên hệ: Số 8/256 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội (Xem chỉ đường)
Hotline: 0936 058 720 - 0989 825 896, Mở cửa: Từ 8h00 - 21h00 các ngày trong tuần
Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.